Một số vấn đề mà người mẹ nuôi con ở những ngày đầu sau sinh có thể gặp: Tắc tia sữa, ít sữa, nứt đầu vú (nứt cổ gà), cương tức bầu vú, mất ngủ, mệt mỏi, táo bón, tiểu buốt,…
Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên, kinh tế và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ, đặc biệt ở những tháng đầu sữa mẹ có chứa nhiều lượng kháng thể giúp bé tăng cường sức khoẻ hệ miễn dịch.
Một số vấn đề mà người mẹ nuôi con ở những ngày đầu sau sinh có thể gặp: Tắc tia sữa, ít sữa, nứt đầu vú (nứt cổ gà), cương tức bầu vú, mất ngủ, mệt mỏi, táo bón, tiểu buốt,… Trong đó, tắc tia sữa là một triệu chứng phổ biến mà nhiều phụ nữ ám ảnh tới mức ảnh hưởng đến chức năng nuôi con bằng sữa mẹ.
Tình trạng sữa bị ứ đọng gây khó chịu cho mẹ.
Tắc tia sữa là gì?
Tắc tia sữa là tình trạng sữa mẹ bị giữ lại bên trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực. Đây là hiện tượng khá phổ biến và không ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ, nhưng nếu không xử trí sớm, đúng cách, mẹ sẽ có thể bị viêm, áp xe, ít sữa, lâu dần hình thành dải xơ hoá. Đặc biệt, tắc tia sữa gây đau đớn, tình trạng này có thể ảnh hưởng tâm lý rất lớn, góp phần gia tăng các vấn đề liên quan trầm cảm sau sinh.
Dấu hiệu nhận biết tắc tia sữa
Căng vú, đau vú đặc biệt vùng tắc đau vú nhiều, sữa ra ít, có thể có mảng đỏ trên vùng da, sờ thấy khối lớn nhỏ rải rác vùng tắc, toàn thân có sốt, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách dẫn đến áp xe vú phải chọc hút, phẫu thuật.
Điều trị tắc tia sữa sau sinh tại nhà
Vệ sinh đầu ti: đây là vấn đề đầu tiên khi bị tắc tia sữa, người mẹ cần dùng khăn mềm, ấm rửa sạch, lau đầu ti, bôi dưỡng bằng một số loại kem đã được cho phép, có thể mua tại các nhà thuốc hoặc cửa hàng mẹ và bé.
Chườm ấm: Dùng túi chườm, khăn ấm, chai nước ấm, đắp lên vùng da đang bị căng tức, thời gian chườm ấm có thể 10 - 20 phút, không nên quá 30 phút/lần và lưu ý tránh bỏng. Mẹ cũng có thể tận dụng khi tắm lau nước ấm, dùng nước ấm để xả trực tiếp lên vùng vú có dấu hiệu căng tức, lưu ý thời gian tắm ở mẹ không nên quá lâu.
Tự xoa bóp vú theo hướng dẫn
- Xoa vòng tròn theo chiều kim đồng hồ từ ngoại vi vào trung tâm núm vú;
- Xoa theo hình nan hoa từ ngoại vi vào trung tâm núm vú;
- Tìm điểm tắc: đau, cứng khi ấn vào, day ấn lực mạnh hơn;
- Day ấn vùng xung quanh quầng vú.
Xoa bóp vú giúp mẹ dễ chịu và có thể giải quyết những trường hợp tắc tia sữa mới mắc.
Bấm huyệt
- Các huyệt được sử dụng phổ biến: Đản trung, Ưng song, Kiên tỉnh, Nhũ căn, Hợp cốc, Trung phủ,..
- Vị trí: để xác định vị trí huyệt, chị em có thể tra thông tin vị trí theo tên huyệt
- Cách bấm: Cần cắt ngắn các móng ngón tay để bấm vào các huyệt, thường hay dùng ngón tay cái để bấm. Khi bấm, đốt 1 và 2 vuông góc với nhau, bấm từ từ và tăng dẫn đến khi cảm thấy tức nặng thì hãm lại khoảng một phút. Nếu tay ấn yếu thì dùng góc gan bàn tay kia ấn thêm vào và không làm quá sức chịu đựng của bạn.
Xác định đúng vị trí huyệt và bấm huyệt theo hướng dẫn hỗ trợ xử lý sớm tắc tia sữa tại nhà.
Cho con bú liên tục
Trẻ ngậm bắt vú đúng sẽ có lực hút mạnh đủ để trẻ đạt được nhu cầu và hạn chế phòng tắc tia cho mẹ, nhưng nhiều trường hợp khi bé bú đúng, mẹ vẫn có thể tắc tia sữa. Việc cho con bú sẽ giảm căng tắc vú, tiếp tục kích thích tạo sữa, nên ngay cả khi đang bị tắc tia sữa mẹ vẫn cần cho con bú đầy đủ, đúng lịch. Một số bé khi mẹ bị tắc tia sữa, bú được quá ít bé sẽ cáu gắt, giận dỗi không bú, mẹ vẫn cần kiên nhẫn để bé không rời ti mẹ, sau đó cho trẻ uống sữa đường khác (bú bình, thìa,...) và hút bằng máy sau.
Bé ngậm bắt vú đúng giúp phòng ngừa hiệu quả tắc tia sữa.
Dùng máy hút sữa
Máy hút sữa dùng ngay sau khi cho con bú nhằm để tránh ứ đọng sữa gây nên vùng tắc mới. Nhấn mạnh là mẹ nên dùng máy hút sữa vì hút bằng tay không đủ lực, mẹ dễ bị tắc nặng hơn và còn mệt mỏi do phải dùng sức.
Hút sữa sau khi bé bú không hết để tránh ứ đọng sữa thêm.
Lưu ý vệ sinh đầu ti và máy sạch sẽ để sữa hút ra sẽ đảm bảo cho con dùng. Vệ sinh hút liên tục từng bên, một tay đỡ máy, tay còn lại xoa bóp vị trí tắc. Thời gian hút sữa vừa đủ, nếu mẹ hút quá lâu dễ tổn thương da vùng núm vú gây đau đớn cho mẹ, sau khi hút xong cần vệ sinh, dùng các kem dưỡng ẩm để bôi dưỡng lên vùng da đầu ti.
Chế độ ăn uống
- Nên: tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, thịt, cá, trứng, sữa, các sản phẩm đã được nấu chín, đảm bảo vệ sinh an toàn.
- Tránh: thức ăn cay, nóng chế biến sẵn, thức ăn chứa quá nhiều chẩt xơ như các loại măng, bia rượu, cà phê, thuốc lá.
- Ngoài ra: hạ sốt khi nhiệt độ > 38.5 độ bằng thuốc hạ sốt thông thường (Paracetamol 500mg uống mỗi lần 1 viên cách > 4 - 6 giờ), uống nhiều nước, nước ấm, có thể dùng một số bài thuốc Đông y để dùng), dành thời gian nghỉ ngơi và cần người trong gia đình hỗ trợ chăm bé.
Nguồn thực phẩm bổ sung đa dạng giúp mẹ cung cấp đủ sữa cho bé.
Nếu bạn đã làm đúng hướng dẫn liên tục mà sau 2 - 3 ngày không đỡ tạo khối đau tức, sốt không hạ, thì cần đến ngay Bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.
Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với đội ngũ thầy thuốc giàu kinh nghiệm và đầy đủ các thiết bị, phương tiện khám và điều trị với mục tiêu hướng tới sự hài lòng người bệnh. Ngoài ra, người bệnh khi đến khám còn được hướng dẫn chi tiết thêm về các bài tập, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống (thức ăn bài thuốc), và phối hợp đa chuyên khoa khi cần... nhằm cải thiện chất lượng điều trị và dự phòng tái phát. Để được định hướng điều trị Tắc tia sữa an toàn, hiệu quả, vui lòng liên hệ: Phòng khám Y học cổ truyền - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Phòng 2068 - Tầng 2 nhà A2 mở rộng Phòng 111 - Tầng 1 nhà A5 Phòng 312A - Tầng 3 nhà A5 Hotline: 0988.541.528 Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng - Đống Đa - Hà Nội |
Khoa YHCT